NFT là gì? Vì sao NFT tạo nên cơn sốt toàn cầu? Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào NFT?

Sau tiền ảo Bitcoin, NFT bắt đầu nổi lên như một cơn sốt và xu hướng mới nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Vậy NFT là gì? Vì sao nó tạo nên cơn sốt toàn cầu? Những rủi ro và cơ hội khi đầu tư vào NFT?

NFT là gì? Vì sao nó tạo nên xu hướng toàn cầu?

NFT là gì?

NFT (Non-fungible token) tạm dịch là một loại token không thể thay thế. Đây là một loại tài sản số ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để từ đó tạo ra một chuỗi mã độc nhất vô nhị, đại diện cho một vật phẩm nào đó. Mỗi chuỗi mã NFT là duy nhất và không thể thay thế. Chuỗi mã được dùng để định danh cho phiên bản số của vật phẩm mà chủ nhân của nó muốn rao bán.

Một mã NFT có thể đại diện cho bất cứ thứ gì, từ các bức tranh, bài hát, vật phẩm game, vé tham gia sự kiện, tên miền... hay thậm trí cả dòng đăng tải trên Twitter. Tuy vậy, nghệ thuật số thường thu hút các giao dịch và có giá cao nhất.

NFT thường được mua thông qua các phiên giao dịch trực tuyến, được thanh toán bằng đồng tiền ảo (bitcoin) hay đô la Mỹ (USD).

NFT bắt đầu nổi lên như một cơn sốt thời gian gần đây, sau khi nhiều tác phẩm nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu đô, giới nổi tiếng, giới đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau tham gia vào thị trường này. Tháng 3.2021, dòng đăng Twitter đầu tiên của Jack Dorsey - người sáng lập mạng xã hội Twitter cũng được rao bán với giá 2,9 triệu USD dưới dạng một NFT.

Nguồn gốc của NFT từ đâu?

Năm 2012, ý tưởng về việc sử dụng Blockchain để xác nhận quyền sở hữu các tài sản thông qua công nghệ số xuất hiện với tên gọi Colored Coin, tác giả của ý tưởng này là Yoni Assia. Đây là tiền đề của NFT, nhưng không may đã bị thất bại do đồng tiền ảo Bitcoin không hỗ trợ loại hình này.

Đến năm 2014, Counterparty, một nền tảng tài chính mạng ngang hàng dựa trên nền tảng Bitcoin ra đời, cho phép người sử dụng tự tạo ra tiền tệ hay tài sản có giá trị giao dịch của riêng họ. Nhờ đó, người dùng có thể tạo, giao dịch và mua các NFT.

Nguồn gốc và đặc tính nổi bật của nft

Và NFT đã được hoàn thiện hơn nhờ tiêu chuẩn ERC-721 (là tiêu chuẩn token trên Ethereum, được quy định cho NFT). Thông qua tiêu chuẩn này NFT đã thiết lập “cuộc chơi" cho riêng mình khi cho phép người dùng tạo ra một token của riêng họ và thực hiện giao dịch các tài sản trên nền tảng blockchain Ethereum. Hiện tại, Ethereum vẫn đang chiếm ưu thế dẫn đầu về các giao dịch và tài sản lưu trữ trên blockchain.

Tuy vậy, đến khoảng năm 2017, NFT mới bắt đầu được giao dịch. Đến 2021 NFT mới bắt đầu thu hút sự chú ý và trở nên bùng bổ vào khoảng tháng 8.2021. Và doanh số giao dịch các NFT tăng lên 10,7 tỷ USD trong quý 3/2021, theo dữ liệu báo cáo từ công ty phân tích thị trường DappRadar.

NFT có gì độc đáo và khác biệt với tiền ảo?

  • Không thể phân chia: Khác với tiền mã hóa có thể chia nhỏ để giao dịch dưới dạng phân số, với NFT bạn sẽ không thể chia nhỏ hơn.
  • Không thể đạo nhái, phá huỷ: Mỗi NFT đều là độc nhất, toàn bộ dữ liệu đều được lưu trên nền tảng blockchain, được thông qua hợp đồng thông minh và không phụ thuộc bất kì công ty nào.
  • Có thể xác minh: Nhờ vào việc lưu trữ thông minh trên Blockchain, bất kỳ ai cũng có thể truy vấn ngược xem chủ sở hữu của NFT đó là người nào mà không cần thông qua bên thứ 3.

Ứng dụng của NFT

NFT có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật (âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc,....); ngành game (giao diện, vật phẩm game), công nghệ thông tin (tên miền, đoạn code),...với bất kỳ thứ gì có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.


NFT sẽ tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung số cơ hội để kiếm tiền từ chính tác phẩm, sản phẩm của họ mà không cần thông qua một bên trung gian, nhờ đó họ có thể giữ lại được nhiều lợi nhuận hơn. Người sáng tạo cũng có thể được trả tiền bản quyền khi sản phẩm của họ được bán lại cho chủ sở hữu mới.


Chẳng hạn, bạn có một bài hát và giao bán bài hát đó dưới dạng NFT, khi chủ sở hữu mới bán lại tác phẩm cho một người khác, ngoài tiền bán tác phẩm, bạn sẽ được thêm tiền bản quyền cho tác phẩm đó. Còn với người mua, họ có cơ hội sở hữu những tác phẩm độc đáo, giới hạn và duy nhất. Người mua có thể toàn quyền sử dụng, khai thác hoặc bán lại; khác với việc “mua" nhạc trên các nền tảng trực tuyến khác, bạn chỉ được quyền thưởng thức chứ không được quyền bán hay chuyển nhượng.

Một trong những ứng dụng khá phổ biến của NFT là tạo và giao dịch vật phẩm game. Với việc sử dụng Blockchain tạo ra các vật phẩm game NFT để mã hóa hàng hóa trong trò chơi, sẽ giúp giải quyết nạn lạm phát phổ biến mà nhiều trò chơi điện tử gặp phải, đây cũng sẽ là bước tiến lớn trong thị trường tiềm năng này.

Ngoài ra, công nghệ Blockchain NFT cũng có thể mã hóa tài sản trong thế giới thực. Các NFT sẽ đại diện cho các phần nhỏ của tài sản trong thế giới thực và được lưu trữ dưới dạng token không thể thay thế trên Blockchain.

Nhận dạng kỹ thuật số cũng là lĩnh vực có thể ứng dụng và hưởng lợi từ NFT. Lưu trữ dữ liệu nhận dạng và quyền sở hữu trên Blockchain không chỉ củng cố quyền riêng tư mà còn tăng tính toàn vẹn của dữ liệu cho người dùng.

Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào NFT

Bạn có thắc mắc vì sao dòng đăng Twitter thôi có thể có giá gần 3 triệu đô? Vì sao NFT có giá trị và đắt đến vậy?

NFT đắt bởi mỗi vật phẩm mà nó đại diện là duy nhất và độc nhất, nó có giá trị sưu tầm rất lớn. NFT được thiết kế để trao cho bạn một thứ không thể sao chép được và không ai có thể xâm phạm quyền sở hữu với bạn. Và vì thế, NFT có thể coi như một tài sản đầu cơ, bạn mua nó và có quyền bán lấy lời khi giá trị tăng cao.


Ngoài ra, giá của NFT do chính người tạo ra chúng định giá, không theo bất kỳ một quy tắc, cơ chế nào của thị trường. Nếu bạn là người sở hữu duy nhất, bạn chính là người nắm quyền định giá.

Tuy nhiên, ưu điểm cũng chính là yếu điểm của NFT, bất kỳ ai trên internet đều có thể tạo ra NFT từ bất cứ thứ gì. Điều này, có nghĩa nhiều người có thể tạo ra rất nhiều token và không có gì đảm bảo cho giá trị của nó. Nếu không biết đánh giá, phân biệt NFT giá trị hoặc tin vào những NFT bị thổi phồng giá trị, tiền đầu tư của bạn có thể “một đi không trở lại”.

Dù nhiều người coi NFT là tương lai của chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn có nhiều nguy cơ tiềm tàng khi đầu tư NFT. Giống như các loại tiền ảo, hiện nay, NFT vẫn chưa được kiểm soát, cũng chưa có cơ chế nào để định giá. Vậy nên, thị trường này có rất nhiều biến động.

Đặc biệt, trong một thị trường mà nhiều người có thể tham gia vào với danh tính giả, gian lận cũng là một rủi ro. Nhiều người còn nghi ngờ rằng, liệu NFT có phải một hình thức rửa tiền, với những tài sản vô giá trị được giao bán với giá quá cao. Vậy nên, hãy cẩn trọng, trang bị kiến thức trước khi tiến vào một thị trường đang được tung hê như một xu hướng này nhé.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn